Tổ chức Hội_đồng_bầu_cử_Quốc_gia_Việt_Nam

Điều 117 khoản 2 Hiến pháp quy định:

"Hội đồng bầu cử quốc gia gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên".

Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Sau khi được bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia đệ trình Quốc hội danh sách thành viên Hội đồng bầu cử Quốc gia phê chuẩn. Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia thường là Chủ tịch Quốc hội.

Trong phiên họp Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét ấn định ngày bầu cử Quốc hội khóa mới, thường vào giữa tháng 5. Chậm nhất 105 ngày trước ngày tổ chức bầu cử Quốc hội khóa mới, Quốc hội phải hoàn tất thành viên trong Hội đồng bầu cử Quốc gia.

Trong thời gian tại nhiệm, xét thấy vi Hiến hoặc vi phạm quy định pháp luật hoặc không đủ năng lực đảm nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể bãi nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch, sau đó đệ trình Quốc hội trong phiên họp gần nhất. Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng có quyền hạn và nhiệm vụ của Chủ tịch trong thời gian chức vụ Chủ tịch bị khuyết hoặc vắng mặt.

Chủ tịch

Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Hội đồng bầu cử Quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

  • Trình danh sách các Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, các Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia để Quốc hội phê chuẩn;
  • Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Hội đồng bầu cử quốc gia;
  • Lãnh đạo và điều hành công việc của Hội đồng bầu cử quốc gia;
  • Giữ liên hệ với các thành viên của Hội đồng bầu cử quốc gia;
  • Thay mặt Hội đồng bầu cử quốc gia trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức khác;
  • Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Hội đồng bầu cử quốc gia phân công.